Cũng theo Bộ trưởng Dũng, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI toàn cầu - vốn đang suy giảm, cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các quốc gia. Thu hút FDI 11 tháng 2024 ước gần 31,4 tỷ USD, vốn FDI thực hiện ước khoảng 21,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Con số dự kiến tăng trưởng 7% trong năm 2024 là cao hơn các dự báo của nhiều tổ chức, định chế tài chính quốc tế.
Cụ thể, hồi tháng 11/2024, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam đạt 6,8% (từ mức 6,0%).
Thời điểm đó, ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam - Ngân hàng Standard Chartered, nhận định mặc dù áp lực kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn vẫn có thể tồn tại nhưng Standard Chartered cho rằng khả năng hoạt động của nền kinh tế đang tốt hơn so với kỳ vọng của thị trường.
Ở dự báo đầu năm 2024, cuộc khảo sát của Bloomberg cho rằng nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng 6,3% trong quý 1/2024 và 6,5% trong quý 2/2024. Tăng trưởng GDP được dự báo ở mức 6% trong năm 2024 và 6,4% trong năm 2025.
Trong bài viết lúc đó, ông Han Teng Chua, Chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS), nhận định nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể vẫn tiếp tục tăng vì Việt Nam vẫn hấp dẫn đầu tư trong những năm tới trong bối cảnh các công ty đang đa dạng hóa và giảm rủi ro chuỗi cung ứng bằng cách mở rộng hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Chi phí lương cạnh tranh, mạng lưới hiệp định thương mại rộng khắp và môi trường kinh doanh thuận lợi là những lợi thế quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.