Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết, quặng bô xít phân bố chủ yếu ở khu vực nhiệt đới, Địa Trung Hải và vành đai xung quanh xích đạo. Các khu vực có nhiều quặng bô xít như Úc, Nam và Trung Mỹ (Jamaica, Brazil, Surinam, Venezuela, Guyana), châu Phi (Guinea), châu Á (Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam) và châu Âu (Hy Lạp, Nga).
Bô xít là một loại quặng nhôm. Từ bô xít có thể tách ra Alumin (Al2O3 - nguyên liệu chính để luyện nhôm trong các lò điện phân). Quá trình sản xuất nhôm từ quặng bô xít trải qua hai công đoạn quan trọng: Sản xuất alumin (Al2O3) theo công nghệ Bayer và điện phân Alumin thành nhôm (Al).
Tại Việt Nam, Đắk Nông đứng đầu cả nước về trữ lượng bô xít. Theo Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, Đắk Nông là tỉnh có tiềm năng rất lớn về quặng bô xít với trữ lượng bô xít ước khoảng 1,8 tỷ tấn quặng tinh, tương đương 4,2 tỷ tấn quặng nguyên khai, hàm lượng nhôm đạt trên 40%. Hiện quặng bô xít đang chiếm khoảng 35% diện tích tự nhiên của Đắk Nông.
Nhiều khu vực đã được thăm dò, cấp phép khai thác và ngành khai thác bô xít, chế biến alumin đang dần trở thành một trụ cột trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đặc thù của quặng bô xít là phân bố rộng, trải dài trên nhiều diện tích, trong đó có nhiều khu vực dân cư, đường giao thông, các dự án cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đáng chú ý, Đắk Nông đang từng bước gỡ vướng thủ tục đầu tư, mở đường cho việc triển khai nhanh các dự án khai thác, chế biến bô xít - alumin - nhôm.
Thời gian qua, Đắk Nông nỗ lực khai mở “mỏ vàng” bô xít. Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ là nhà máy đầu tiên và duy nhất tính tới thời điểm này đặt trên địa bàn tỉnh Đắk Nông để thực hiện nhiệm vụ chế biến bô xít thành alumin. Công suất nhà máy theo thiết kế 650.000 tấn alumin/năm, do Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư.